Lịch sử hình thành Văn_phòng_Trung_ương_Đảng_Cộng_sản_Việt_Nam

Ngày truyền thống của Văn phòng Trung ương Đảng, đồng thời là ngày truyền thống của văn phòng cấp ủy đảng các cấp được Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chọn là ngày 18 tháng 10 năm 1930[4]. Đây là ngày kỷ niệm thành lập Ban Chấp hành Trung ương chính thức đầu tiên gồm 6 ủy viên: Trần Phú, Ngô Đức Trì, Nguyễn Trọng Nhã, Trần Văn Lan, Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao; do Trần Phú làm Tổng Bí thư.

Trên thực tế, mãi đến tháng 5 năm 1947, Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng mới được thành lập tại xã Quảng Nạp (nay là xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), do Lê Văn Lương làm Bí thư; với nhiệm vụ theo dõi tình hình trong cả nước, tổng hợp báo cáo Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh, thực hiện các công việc về hành chính, quản trị.

Ngày 15 tháng 1 năm 1948, Hội nghị Trung ương Đảng quyết định lập thêm các Ban chuyên trách giúp việc cho Trung ương Đảng gồm Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Kiểm tra, Ban Dân vận và Ban Đảng vụ. Cùng với Văn phòng Thường vụ Trung ương, các ban chuyên trách này là những cơ sở hình thành Ban Bí thư sau này. Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II chính thức đã quy định nhiệm vụ của Văn phòng Trung ương Đảng là "giúp Trung ương và Ban Bí thư giải quyết công việc hằng ngày".[5]

Ngày 11 tháng 4 năm 2007, Bộ Chính trị ra Quyết định 45-QĐ/TW sáp nhập các Ban Kinh tế, Ban Nội chính, Ban Tài chính - Quản trị vào Văn phòng Trung ương Đảng.

Từ năm 2013, theo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Ban Kinh tế và Ban Nội chính được tái lập lại và tách khỏi Văn phòng Trung ương Đảng.